VỊ  CHÂN  SƯ Quyển II  - The Initiate in the New World

CHƯƠNG   IX 

CẶP ACKWRIGHTS

 

Một hay hai ngày sau đó tôi tới chơi nhà cặp Arkwrights, vì có chị Arkwright tuy tới giờ tôi chưa giới thiệu chị. Chị không phải đệ tử và không hề đến dự những buổi họp mặt của chúng tôi, nhưng dù vậy có biết thầy M.H.. Khi vào phòng khách nhà chị chiều hôm ấy, tôi thấy Arkwright vừa chào từ giã một cô gái xinh đẹp nhưng không có vẻ thanh nhã, khi ngang qua mặt tôi cô có cái nhìn mời mọc.
– Ai vậy, hỏi được không ? tôi hỏi khi cô đã về.
– Gái làng chơi, Arkwright đáp ngắn ngủi.
Tôi nhướng mày, 'Hoàn lương ?'
– Còn khuya.
– Thế là sao ?
– Ồ, một đêm gặp cô nói chuyện, rồi nghĩ nên mời cô thỉnh thoảng đến chơi với tụi tôi.
– Hai ông bà ? ... vậy chị không phản đối à ?
– Phản đối ? Bả không đâu. Hai người chịu nhau lắm.
– Số dách. Tôi reo lên, ít có người như hai bạn ... thầy M.H. biết không ?
– Tự nhiên.
– Ngài nói sao ?
– Chấp thuận, dĩ nhiên. Có hôm ngài đụng đầu cô trong chính phòng này và nói nhẹ nhàng về triết lý với cô.
– Ước chi tôi có đó. Cô thấy sao ?
– Cô vui thích lắm.
– Thầy có khuyên cô bỏ nghề ?
– Anh đâu có nghĩ là thầy làm giống như Salvation Army khuyên giải cô hở ?
– Thì không rồi ... tôi cười lớn.
– Ngoài ra, làm vậy chẳng lợi gì trong trường hợp này.
Tôi chắc vậy, nhưng vẫn chưa hiểu.
– Coi này, Broadbent, anh bắt đầu, tay mân mê nút áo của tôi. Anh nghĩ tại sao một trong những vị Chân sư Ấn Độ cao cả lại để cho nhiều dân quê Tây Tạng thô lậu luẩn quẩn quanh nhà ngài, chỉ để được không gì khác hơn là một nụ cười ?
– Ngài làm vậy à ? tôi nghi ngờ hỏi.
– Thực, ngài làm vậy ... có Trời biết, tôi không phải là Chân sư, còn lâu lắm mới thành nhưng anh không nghĩ là anh với tôi, chỉ vì chúng ta có nối kết với Chân sư của mình và tất cả những gì mà ngài tượng trưng, phải cho ra đôi điều có thể giúp người như cô gái làng chơi đó sao, cho dù họ không biết vậy ?
– Anh muốn nói rằng chỉ ở trong hào quang người khác là cũng có ảnh hưởng à ?
– Cố nhiên ... cô nghĩ cô chỉ đến đây để có lòng thông cảm và mấy chuyện như vậy – và cô có nó; nhưng cô còn nhận được chuyện khác mà không biết và việc đó có thể không lộ ra trong kiếp này tí ti. Chúng ta ảnh hưởng linh hồn của cô ngay cả khi ta không nói tiếng nào về triết lý của mình.
– Tức là anh không tin vào chuyện huyền bí học nói rằng có nguy hiểm khi ở gần ai xấu vì sẽ lây hào quang của họ sao ? tôi trêu anh (một vài sách về huyền bí học nói rằng không nên gần người hay chỗ hay vật có làn rung động thấp, vì sẽ bị nhiễm từ lực xấu do họ phát ra ).
– Úi Trời, nghe mệt quá ! anh la lớn, giật gần đứt khuy áo của tôi. Anh sẽ không bao giờ giúp ai khốn khó ở khu ổ chuột, vì sợ là quần anh không chừng bị dính chút bụi khi ngồi xuống sàn nhà đất của họ chăng ? Dẹp, tôi sẽ ngủ với cô nếu làm vậy có lợi !
Tôi phải phì cười vì tính thẳng thắn tuyệt vời của anh. Tôi hỏi.
– Thầy M.H. sẽ nói sao đây ?
– Chưa hề hỏi ngài, nhưng tôi có thể đoán. Tôi biết ngài thường muốn chúng ta làm chuyện lạ lùng xem ra mất thì giờ, mà khi làm rồi thì ngài cho biết lý do ... Anh biết Herbert chứ ?
– Chàng đệ tử nhạc sĩ ?
Arkwright gật đầu.
– Khi Herbert đi Chicago một tháng, thầy M.H. dặn rõ nhà trọ để anh ngụ – loại chỗ trọ nghèo mà Herbert là dân có tiền – và anh được dạy chơi cho đám đông không biết gì về nhạc gần như là mỗi tối, hay bất cứ khi nào họ muốn anh chơi, ngay cả khi họ không hiểu chi về loại nhạc mà anh trình tấu. Nhà trọ ấy có hào quang tệ hại bao phủ lâu rồi. Thế thì còn bị nhiễm rung động xấu tới đâu ?
– Ờ, nhưng anh ta có làm lợi được không ? tôi hỏi.
– Này con, một giọng nói êm dịu và quen thuộc vang lên sau lưng tôi, làn rung động của loại nhạc hay lúc nào cũng tốt lành, nhưng khi được gợi nên do người ý thức là đang làm công việc của Chân sư thì lại càng tốt lành gấp bội.
Tôi quay lại thấy nụ cười của thầy M.H. và tự hỏi ngài đã vào phòng bao lâu rồi. Khi ấy, Wilson, một đệ tử khác, đến.
– Xin lỗi nghe, anh rên rỉ, ngồi phịch xuống cái ghế gần nhất, nhưng tôi kiệt sức rồi.
– Có chuyện gì vậy ? Thầy M.H. vui vẻ hỏi.
– Vợ con – la lối suốt hai tiếng đồng hồ. Đây là trận thứ ba trong hai ngày nay con phải chịu.
Thầy M.H. đặt tay mình lên tay Wilson một lúc, và giọng nói của ngài đầy sự êm dịu thân ái khi ngài bảo.
– Con à, có người vợ rất đỗi khó tánh là cơ hội bằng vàng để tiến bộ cho linh hồn nào đã tiến xa đến mức lợi dụng được cảnh ấy. Con đã tiến xa đủ vậy, thế hãy tự an ủi mình.
Wilson nhìn ngài lộ vẻ biết ơn.
– Con đang học bài học của mình và khi học đủ rồi thì sẽ không còn màn la lối.
– Tội nghiệp cho anh chưa, Arkwright nói nhẹ, tôi cũng gặp trục trặc với Ella khi sinh con, bà xã muốn con trai mà lại sinh con gái. Thiệt lạ lùng là có mấy bà lại bực bội về chuyện như vậy.
– Bản năng về phái tính có hình thức kỳ quặc.
– Thật thế ạ ? Arkwright hỏi.
Thầy M.H. gật đầu.
– Nhưng con không cần cho vợ hay bây giờ.
– Chuyện đó làm con nhớ, bà xã đâu kìa ? Arkwright la lớn, đột nhiên nhẩy dựng lên và ra khỏi phòng; chúng tôi nghe anh gọi to 'Cưng ơi !' trong hành lang.
– Thế thì hay, Wilson lên tiếng, nhưng có nhiều ông bố cũng mong mỏi sinh con trai như chị Ella Arkwright muốn.
– Thường khi đó là lòng tự phụ, thầy M.H. nói. Khi người đàn ông sợ gia đình tuyệt tự thì nó có nghĩa anh ta hãnh diện về gia đình mình. Là linh hồn già dặn trong gia tộc trẻ thì hay hơn biết bao là linh hồn trẻ trong gia tộc lâu đời !
Arkwright vào phòng trở lại mang theo vợ của anh. Cô bế đứa bé trong tay.
–  Xin lỗi quí vị ... cô than thở không giả bộ chút nào, xin quí vị thứ lỗi cho, tôi không bắt tay được. Cháu bé đây ... cô thêm vào, đưa em bé cho thầy M.H. Mọi người lịch sự xúm quanh ngắm nghía. Nhưng quí vị không cần phải khen hay trầm trồ, cô trấn an chúng tôi, tôi chỉ muốn thầy chúc lành cho cháu bé thôi, dù nó là con gái !
Thầy M.H. cười yên lặng và lấy ngón tay vuốt ve trán đứa bé.
– Con muốn là được ... ngài trấn an cô.
– Thầy dạy con là con gái cũng chẳng sao đâu ... cô thúc giục với vẻ ngây thơ hăng hái, coi sự có mặt của tôi tự nhiên như thể chúng tôi đã biết nhau từ thuở nhỏ thay vì chỉ mới gặp nhau lúc ấy.
–  Chân sư như chúng ta không phải là toàn tri, ngài nhắc cô, mà con thì hỏi xin hơi nhiều. Nhưng có lẽ ta cho được con ý có thể giúp con tự dạy mình. Nó không phải là ý mới mà là ý rất cổ xưa. Hãy để trường hợp của con sang bên một lát, và giả dụ là thiếu phụ nào khác sinh con. Cô yêu quí đứa bé ấy và tưởng tượng cô yêu con chỉ vì nó là một em bé. Nó lớn lên thành đứa trẻ, và tuy không còn là em bé cô vẫn thương yêu con, và tưởng tượng là mình thương yêu vì sự trẻ trung của con. Cuối cùng nó thành thanh niên và có lẽ cô thành bà lớn tuổi, nhưng dù nhiều năm trôi qua từ khi đứa bé sinh ra tình thương của cô vẫn sâu đậm như thuở nào. Chót hết cô ý thức rằng lý do cô yêu không phải vì con là em bé hay đứa trẻ hay thiếu niên chi hết, mỗi giai đoạn thay đổi ấy đã biến mất. Vậy sự bí mật của tình thương nơi cô là gì ? Cô yêu con chỉ vì con – linh hồn không có phái tính và phái tính chỉ là sự biểu lộ thay đổi. Ngài dừng lại và nhìn cô hiền từ. Con hiểu thầy muốn nói gì chứ ?
Cô dựa đầu vào vai Arkwright và đáp:
– Dạ, nhưng nghĩ hiểu được một chút ... nhưng nó dính dáng chi đến con ?
Tất cả chúng tôi phá ra cười vì sự ngộ nghĩnh của cô.
– Con phải dùng ý chí để yêu, hay nói rõ hơn tưởng tượng là mình yêu, thầy đáp.
– Cưng à, trục trặc của cưng, Arkwright vuốt ve cô và nói, là cưng đã hiểu biết và không thể hành động như bà mẹ bình thường là Ô, A rối rít về con như con bò cái liếm láp con bê, mà cưng ...
– Mình nói gì thế ? cô ngắt lời.
– Anh đang nói, Arkwright nháy mắt với chúng tôi, là mình đang ở lưng chừng. Mình đã qua giai đoạn thuần bản năng của loài vật là điều làm bà mẹ và thú vật phồng ngực hãnh diện khi sinh con, và coi nào, mình chưa đến giai đoạn mà thầy M.H. vừa nói.
– Tôi chắc chị cũng cảm thấy y hệt vậy nếu cháu bé là con trai. Wilson nói một cách thông cảm.
– Chắc chắn rồi, Arkwright nói to, chỉ có điều là bả không nhận ra.
– Quên mất trà, chết chưa ! cô chợt kêu to giữa chuyện và hối hả bồng con chạy đi.
...
Nửa giờ sau tôi ngồi cạnh thầy M.H. trong xe của ngài.
– Con nghĩ cô vợ Arkwright thật là chịu chơi, tôi nhận xét, Arkwright kể cho con nghe về người bạn gái làng chơi của hai anh chị.
– Phải, Ella tốt bụng lắm, ngài đồng ý ngay.
Tôi thắc mắc tới độ hỏi làm sao cô không hề đến dự những buổi giảng và được trả lời.
– Cô chưa phải là đệ tử thực thụ.
– Con tưởng ai khoan hòa như ... tôi nói rồi ngưng lại khi thấy vẻ thích thú nhẹ nhàng của thầy.
– Nếu mọi ai khoan hòa ở Mỹ phải có chỗ trong nhà thầy ...
Tôi cười lớn.
– Dầu vậy, có nhiều lý do khác, ngài nhìn nhận, Arkwright nghèo, cô làm phận sự của người vợ, người mẹ, bà vú và người giúp việc. Cô tiến bằng cách đơn sơ ấy mau hơn là cách gia nhập nhóm và bị thúc đẩy hơn. Ngoài ra Arkwright có thể dạy lại cô cũng những điều mà ta thấy hợp để truyền cho cô vào lúc này.
– Mà có vẻ như cô xem thầy là Chân sư của cô, tôi phản đối.
– Con lầm rồi, cô không biết một cách ý thức là Chân sư nghĩa là gì như con hiểu chữ ấy, và không nên nói cho cô biết.
Tôi nhìn ngài kinh ngạc.
– Có hàng chục hội về huyền bí học, bí truyền khắp nơi trên đất Mỹ, hội do phái Sufi, phái Veda, người Thông Thiên Học và nhiều nhóm khác lập ra. Cô xem thầy như là người đứng đầu một nhóm huyền bí, thế thôi – và do bản chất đầy lòng tin và tình thương cô xem thầy như cách tín đồ Công giáo sùng đạo xem cha giải tội của  họ. Nhân tiện, những hội nói trên rất hữu ích cho thầy – họ gạt đi kẻ nào tò mò. Ai có đến nghe chúng ta sẽ nói mơ hồ, 'Phải rồi, mấy người Thông Thiên Học đó lập nhóm riêng của họ ...'
– Nhưng không phải là bất tiện sao, tôi hỏi, quay trở lại chuyện hai vợ chồng Arkwright, khi người chồng là đệ tử còn người vợ thì không ?
– Sự bất tiện có thể dạy nhiều điều, ngài đáp, anh học được tính kín miệng còn cô học cách thắng óc tò mò.
Và lúc ấy tôi tự hỏi là thầy M.H. có cho là tôi tò mò quá đáng chăng ...
Về sau tôi khám phá  là ngài chưa nói hết mọi chuyện với tôi. Càng gặp Ella Arkwright nhiều tôi càng thấy rõ là cô có khuyết điểm, tật là bạn đồng hành với tính tình dễ mến của cô. Tính ngây thơ bộc trực sôi nổi của cô đi kèm với tật không kín miệng sẽ rất bất tiện cho một vị Chân sư. Cho cô hay vài chỉ dạy mà Chân sư giảng sẽ có nguy cơ là về sau nó rơi vào tay người không thích hợp. 

 

CHƯƠNG  X

HỘI  VIÊN  HỘI  THÔNG  THIÊN  HỌC

 

– Con vào dùng cơm trưa với chúng ta nhé ?
Thầy M.H. hỏi khi chúng tôi đến trước cửa nhà thầy.
– Thầy sẽ bận khoảng nửa tiếng với thư ký riêng, hay đúng hơn là một chela – đệ tử – làm thư ký riêng cho thầy, nhưng sau đó thầy được rảnh một lúc. Trong lúc chờ đợi con có thể tìm sách mà xem.
Dĩ nhiên tôi rất vui làm theo đề nghị của thầy.
Thầy M. H.  có hai chela ngụ cùng nhà với ngài, một anh là người Tích Lan và anh đệ tử là thư ký riêng vừa nói có tên là Heddon. Sau bữa ăn (tôi để ý là thầy M.H. gần như không ăn gì cả), chúng tôi ngồi hút xì gà và trong câu chuyện tôi hỏi ý kiến của ngài về tương lai của hội Theosophia (Thông Thiên Học).
– Chuyện đó tùy thuộc phần lớn vào hành vi của hội viên, ngài trả lời với nụ cười nghiêm trang hơn của mình. Tuy theo đúng nghĩa Hội không nằm trong trách nhiệm của ta, nhưng ta quan tâm đến việc làm của Hội, thấy là Hội đã thực  hiện được công chuyện rất tốt lành và có thể tiếp tục như thế. Tuy vậy điều không hay là nơi một số hội viên ta thấy có vài lỗi, nghiêm trọng cũng như không đáng. Nhưng các lỗi không đáng thỉnh thoảng lại cho ra hệ quả bất lợi sâu xa giống như các lỗi nghiêm trọng.
– Đó là các lỗi gì ? Heddon hỏi. Có vẻ như anh biết rất ít về Hội và việc làm của nó.
– Nào, thí dụ thì người ta thấy chuyện đáng buồn là hội viên một Hội chủ trương tình huynh đệ đại đồng lại đấu võ mồm với nhau – chỉ khá một chút là chưa đấm đá nhau. Ngay từ thuở ban đầu Hội đã có nhiều lúc có tranh cãi trong nội bộ dưới hình thức này hay kia, vụ trước vừa xong thì có vụ kế, cách nhau không lâu. Điều gì lẽ ra nên làm ngơ hoặc rộng lượng bỏ qua, lại biến thành lớn chuyện gây tai tiếng khiến cho hội viên ào ào rút lui khỏi chi bộ để phản đối, ngực phồng to biểu lộ điều họ cho là sự tức giận chính đáng.
– Đó như là khua trống kết tội, anh chàng người Tích Lan khô khan nói nhỏ.
Thầy M.H. gật đầu.
– Trong một tạp chí về huyền bí học thầy đọc được những lá thư chua chát về việc phong chức giám mục trong giáo hội Thiên Chúa giáo tự do (một giáo hội chấp nhận Theosophia), muốn hỏi nó có đúng lý không. Và gần đây nhất (chuyện viết năm 1927) có một phong trào nổi lên cho rằng bà Blavatsky đã trình bầy hết những gì cần biết về Theosophia, nên nó lên án tất cả những chỉ dạy mới được đưa ra, cho đó là dấu hiệu không trung thành với công lao của bà.
– Nào, con nghĩ, tôi góp ý, ngay lúc bà còn sinh tiền các Chân sư đã vạch ra là các ngài chỉ mới vén một góc màn bí mật, và nhìn nhận rằng dù có bao đặc điểm, có vài chuyện bà không đáng tin hẳn.
– Quả các ngài nói vậy, thầy M.H. đáp.
– Và nguyên nhân căn bản của tất cả chuyện – tạm gọi là tì vết của Hội Theosophia là gì ? Giọng nói nhẹ nhàng từ tốn của anh chàng Tích Lan hỏi. Đó là thiếu tự chủ, làm chủ tâm tính, chế ngự tình cảm, và kiểm soát được miệng lưỡi của mình.
– Ảnh hưởng của nó là, thầy M.H. tiếp lời, không chừng ai muốn gia nhập Hội và có được lợi ích do hoạt động của Hội được lập ra để làm, lại quay đi.
– Người điếc không nghe được tiếng lớn, anh chàng Tích Lan nhận xét theo kiểu điềm đạm của mình, nhưng đôi khi nghe được lời thì thào.
Thầy M.H. thấy mặt tôi ngơ ngác nên nháy mắt và quay sang đệ tử của ngài.
– Đừng nghĩ là hai người tây phương ruột ngựa luôn luôn hiểu được ẩn dụ mà không cần giải thích nhé, ngài trêu anh.
Anh chàng Tích Lan cười một cách làm tôi quí ngay, vì nó không trịch thượng chút nào. Anh giải thích:
– Mấy người bạn Thông Thiên Học của chúng ta bị điếc, vì tuy họ có thể nghe tiếng thì thào từ cõi tình cảm, lại không nghe được tiếng to của Lý Trí bảo rằng lòng thiếu khoan dung không bao giờ có thể đi đôi với tình huynh đệ.
– Tôi hiểu rồi, tôi nói và cúi người xuống.
– Còn những lỗi nhỏ thầy nói là gì ? Heddon hỏi thầy M.H.
– Thầy nhìn nhận là chúng không đáng, và thầy hy vọng cùng nghĩ rằng chúng ta, các vị Huynh Trưởng, là kẻ không thiếu lòng khoan hòa. Nhưng để cho con hiểu, đôi lúc khi ta chú ý nhìn vào cuộc họp của người Thông Thiên Học, ta thấy có quá nhiều người thiếu thực tế, mơ mộng vẩn vơ, lẩn thẩn, biếng nhác, tự hỏi thầm 'Mình có thể làm gì cho các Chân sư ?' và khi được trả lời lại không thuận theo, vì điều mà các Chân sư muốn họ làm thì không tuyệt diệu tới mức hấp dẫn được họ.
Thầy cười dễ dãi.
– Ta còn nhớ cách đây không lâu ta nhiều lần thử gợi ý một bà rằng đừng từ chối quyền muốn được gối chăn của chồng, và như thế không còn xử sự ích kỷ như thái độ đang có. Nhưng thầy không sao ảnh hưởng được tâm bà, bà bị mê hoặc quá đỗi với ý sai lầm về sự trinh khiết nên hóa điếc, không nghe lời nhỏ nhẹ của thầy cố gắng nói với chân nhân của bà.
Ngài ngưng một lát rồi tiếp tục nói.
– Không nên dùng Thông Thiên Học hay bất cứ hình thức nào khác của huyền bí học làm cớ để thành ích kỷ trong tình chồng vợ. Chồng hay vợ chớ bao giờ nại cớ ấy để lãng quên bổn phận của mình, hay làm cho mình hóa ra thờ ơ và không thực tế. Nói cho cùng, bài học thực tiễn mà Thông Thiên Học phải dạy là tính Tự chủ. Lòng ích kỷ dưới bất cứ hình thức nào, thiếu suy xét theo lẽ thường và những khuyết điểm tương tự là triệu chứng của việc thiếu tự chủ.
'Bất cứ khi nào được thầy muốn các đệ tử của thầy chỉ dạy người Thông Thiên Học thành đại diện tốt đẹp cho Hội mà không phải ngược lại, nhưng một số người lại là như thế. Thí dụ chỉ tin vào luật Nhân Quả và Luân Hồi có thể là niềm an ủi cho riêng họ, nhưng với ai chưa tin thì nó có lợi gì ? Ngoài ra hai luật trên không phải là điều căn bản tuyệt đối, chúng chỉ là hai trong nhiều mặt của hạt kim cương Chân Lý vĩ đại.
Thầy M.H. đứng dậy khỏi ghế và bắt đầu bách bộ tới lui. Tôi góp ý.
– Ngay cả điều gì đúng mà nhấn mạnh quá đỗi cũng  có thể trở thành tín điều.
– Chính thế, ngài đáp. Thí dụ thầy quan sát thấy có nhiều hội viên của  Hội Thông Thiên Học quá coi trọng Karma theo cách họ hiểu nghĩa chữ ấy. Với linh hồn còn trẻ chưa tiến hóa thì ý niệm Karma thường sinh ra tính buông xuôi. Người ta nói, và thường khi đó là các bà, 'Tôi bị đau, đó là nhân quả của tôi ...'  và bà thấy hãnh diện về chuyện ấy, hay điều mà bà cho là nhân quả. Nhưng nếu ta đi sâu vào tiềm thức của bà thì thấy nó không phải là 'Karma', ngài lại cười một cách khoan dung, mà đó là lòng kêiu hãnh vốn là căn nguyên của vấn đề, sinh ra ý muốn được người ta chú ý đến mình.
'Như con biết, trong nhóm này chúng ta dùng chữ Karma theo nghĩa cụ thể hơn, là luật Nhân và Quả đối với mọi hành động mà không phải chỉ là những việc gì thuộc kiếp trước. Chẳng hạn có ai hồi tối uống rượu và sáng ra thức dậy bị nhức đầu thì chúng ta bảo đó là Karma của họ.
Cả bọn chúng tôi phá ra cười. Thầy M.H. nói tiếp, làm ngơ sự vui nhộn của chúng tôi.
– Và tại sao ? vì nó là kết quả của một nguyên nhân. Nói khác đi, người ấy nhận lãnh trở lại, không phải tội lỗi của một kiếp trước mà là hành vi của đêm trước. Nếu Karma chỉ được hiểu theo nghĩa chật hẹp như người Thông Thiên Học hẹp hòi hiểu nó, thì sẽ sinh ra tật xấu như buông xuôi bỏ mặc và mấy tật khác, điều mà chúng ta muốn tránh ở đây. Vì vậy con sẽ giúp họ bằng cách dạy rằng chẳng có gì đáng phải hãnh diện đối với hậu quả của Karma, và bỏ sớm chừng nào tật hay nhấn mạnh về Karma thì tốt chừng ấy.
Thầy ngưng để châm lại điếu xì gà.
– Nói chung thầy lấy làm tiếc là hội viên Thông Thiên Học có óc tín điều, có kẻ đi xa tới mức nghĩ rằng vì là người Thông Thiên Học họ có độc quyền được Chân sư chú ý. Hẳn họ sẽ giật nẩy mình nếu con cho họ hay rằng có nhiều người vô thần, và ngay cả cô gái mãi dâm, dễ tiếp thu chỉ dạy của Chân sư hơn họ. Loại hội viên Thông Thiên Học đầy óc tín điều là người trái ngược hẳn với kẻ mơ mơ màng màng không thực tế; người sau ít nhất bản tính còn có nhiều tình thương, nhưng người trước thì tệ hơn về mặt tinh thần vì có óc câu nệ mà không biết. Thể trí của ai như vậy cứng ngắc không chịu nhân nhượng; vì họ chấp nhận một tôn giáo khác thường, họ tưởng mình vì thể cũng khác thường. Nhưng họ đã lầm, theo quan điểm về Thông Thiên Học thì họ hẹp hòi và có óc bè phái gần như người Thiên Chúa giáo đầy thành kiến nhất.
Anh chàng Tích Lan nhận xét.
– Họ cần cảnh giác với tính giả hình trong Hội Thông Thiên Học, vì tuy tình thương của  các Chân sư chiếu rọi vào họ như mặt trời ban ngày, cửa sổ của trí não và tâm hồn họ có thể quá chật hẹp không cho nó lọt qua.
– Cám ơn con, thầy M.H. nói với sự vui vẻ trầm tĩnh, rồi ngài trở nên nghiêm trang hơn.
– Hội Thông Thiên Học đang đứng ở giây phút rất hệ trọng cho hoạt động của nó. Nó có thể tiếp tục có số hội viên nhiều hơn, nhưng đáng tiếc là tầm vóc một hội không nhất thiết là việc đáng kể mà đúng ra là phẩm chất của nó. Nếu Hội muốn mình vẫn là một lực cho điều lành trong thế giới, và thầy hết sức mong mỏi nó được vậy, thì có một điều hội viên phải làm là trừ tuyệt lòng hèn nhát.
'Có kẻ hèn nhát bỏ chạy vào phút có nguy hiểm, thay vì phụ một tay bơm nước đe dọa làm chìm thuyền họ lại bỏ thuyền tháo chạy. Bất kể nguy hiểm có hình thức là chuyện tai tiếng do một hội viên có bộ thần kinh bất toàn, hay vì bất đồng ý về lời tuyên bố rằng đức Chúa (đức Di Lặc) tái hiện, nếu tình Huynh Đệ có nghĩa gì thì đó là hỗ trợ nhau không phải chỉ vào lúc an toàn mà cả khi nguy biến. Theo ý thầy tương lai của Hội Thông Thiên Học tùy thuộc trên hết thẩy vào lòng dũng cảm đạo đức của người trong hội. 

 

CHƯƠNG  XI

TRONG  NGHĨATRANG

 

   Ngày chủ nhật mà thầy M.H. hứa sẽ đưa bọn tôi về miền quê chơi là ngày rất đẹp trời. Theo dự tính chúng tôi sẽ đi lúc 10 giờ, thầy sẽ tới đón tôi ở hội quán chỗ trọ rồi sau đó đón Viola Brind. Đúng giờ đúng phút thầy tới trước cửa và chúng tôi đi ngay, nhưng thay vì đi thẳng tới nhà Viola, thầy rẽ sang hướng khác.
– Úi, tôi thưa, cô Brind không đi sao, hay là thầy quên cô rồi ?
– Đừng lo, cô đi với chúng ta, ngài đáp với nụ cười bí ẩn, nhưng thầy phải đón một người khác trước đã.
– Một người nữa trong nhóm chúng ta ư ?
Ngài gật đầu, nhưng không cho biết gì thêm. Chỉ khi chúng tôi đến trước cửa nhà cô Clare tôi mới có câu trả lời.
– Cho con một ngạc nhiên thú vị, ngài bảo. Thầy có điện thoại mời cô Clare Delafield cùng đi với chúng ta.
Dọc đường hào hứng hết sức, Viola ngồi băng trước với thầy M.H. nên tôi có Clare cho riêng mình ở băng sau, tuy nhiên ngài không bỏ quên hai tôi hẳn mà thỉnh thoảng quay sang chúng tôi hoặc bình phẩm phong cảnh hai bên đường, hay nói to tên những ngôi làng xe đi qua. Sau khi lái xe khoảng hai tiếng rưỡi đồng hồ chúng tôi đến một vùng nhỏ bé thơ mộng, và quyết định dừng lại đi ăn trưa. Xe dừng trước một khách sạn nhỏ nhưng bởi giờ đó còn sớm chưa tới lúc ăn trưa, thầy M.H. đề nghị đi dạo quanh làng. Cách khách sạn một quãng ngắn có một ngôi nhà thờ cổ, chung quanh có sân bao bọc nên chúng tôi thả bộ tới đó.
Khi chúng tôi vào cổng, vài người dự lễ còn nán lại chuyện trò với nhau trước khi ra về, nhưng chẳng bao lâu họ tản đi hết, và sân nhà thờ trống trơn, chỉ trừ một cô gái nhỏ tôi thấy đứng xa xa giữa các ngôi mộ. Chúng tôi thơ thẩn đi quanh, nhìn các tượng, tháp và lời ghi trên đó tới cuối cùng thì đến rất gần cô gái này. Rồi tôi thấy cô đặt hoa lên ngôi mộ mới đắp.  Trông cô sầu thảm quá khiến tôi muốn đánh đổi bất cứ điều gì để có thể an ủi cô. Nhưng tôi có thể nói gì để ảnh hưởng được cô ? Tôi cũng hết sức ngượng nghịu khi nói chuyện với người lạ.
Tôi đang nghĩ những điều này và tình cờ nhìn về phía thầy M.H. đi trước vài thước, tôi để ý thấy ngài chăm chú nhìn cô. Thầy đi tới ngay và đặt tay lên vai cô.
– Con à, ngài nói hết sức êm ái, đừng đau khổ về ba con như thế nữa. Ông không nằm dưới kia trong mộ, ông đang đứng cạnh con và bảo con rằng ba không hề bỏ con.
Thấy ngay là cô không hiểu hết ý của thầy vì cô chụp lấy tay ngài và hấp tấp hỏi:
–  Ông biết ba con ?
– Không, con à.
– Thế thì sao ... con không hiểu ... con chưa gặp ông bao giờ. Làm sao ... làm sao ông biết ? Cô vội rụt tay lại.
– Vì ta thấy linh hồn ông đang có mặt nơi đây, và có thể nghe ông nói, 'Xin bảo con gái tôi đừng buồn rầu như thế. Tôi là ba của cháu, xin giúp con tôi hiểu là tôi không hề rời xa con'.
Cô gái quay sang bên và gục đầu xuống, làm như hoang mang cùng tột không biết phải nghĩ hay nói gì, nhưng cô không khóc. Thầy M.H. choàng tay qua vai cô, kéo cô lại gần ngài.
– Nào, con à, ngài cất lời thật dịu dàng. Ta có đây để an ủi con, con không muốn nghe ư ?
Cô đưa tay mò mẫm tìm tay thầy, chộp nó lần nữa và gật đầu nhẹ, mà có vẻ như cô vẫn không thể nói ra lời. Tôi nhìn Viola và Clare, thấy mắt hai cô đầy lệ.
– Nghe này, Chân sư nói nhỏ giọng, có vài người có thể thấy được ai mà nhân gian gọi sai lầm là người chết, vì thực ra không có cái chết. Ta biết nói vậy hơi khó tin nhưng đó là sự thực. Ta sẽ tả lại ba con để giúp con hiểu nhé ?
Cô không trả lời chỉ gật đầu rất nhẹ tỏ ý ưng thuận.
– Ông vẫn còn trẻ, chỉ mới khoảng 38, râu cạo sạch, người cao và có điểm thật ...
Đột nhiên cô bật khóc.
– Nào, nào, con à, thầy dỗ dành, đừng làm thế. Ta hiểu, nhưng đừng khóc. Ngài vuốt nhẹ bàn tay cô và chờ một lát. Con có hiểu ta định nói gì không ? Thầy hỏi cô với vẻ khuyến khích. Đó là lẽ ra ba con sẽ hết sức vui vẻ nếu không bị đau lòng như vầy do cảm xúc của con. Con bớt buồn cho ba vui được không ?
– Khó lắm ..., cô thổn thức.
– Ta biết, con à, ta biết nhưng nghĩ coi khi ba thấy con sầu não thì ông sẽ cảm xúc ra sao, và khi ông tìm cách an ủi con lại thấy là con không nghe được lời khuyên giải của mình ! Nếu chính con gặp cảnh đó thì con có buồn khổ không ?
Cô lại gật đầu.
– Con và ông giống như là bạn hơn là cha con.  Đúng chăng ?
Giờ thầy chuyện trò tự nhiên hơn, cho cảm tưởng là ngài muốn hướng sự chú ý của cô gái sang việc khác.
– Làm sao ta có thể biết hết những điều ấy nếu không có kẻ trong chúng ta thấy được người đã bỏ xác thân ?  Chuyện sẽ thành bất khả, đúng không ? Vậy con thấy là tuy chúng ta nghĩ người thân khi qua đời bỏ chúng ta mà đi thật xa, hay biến mất khỏi cuộc đời hoàn toàn thì đúng ra không phải thế; lúc nào họ cũng ở cạnh chúng ta, chỉ có điều không phải ai cũng có thể thấy và nghe được lời họ muốn nói.
Cô ngưng khóc.
– Ông tốt lành quá, cô nói đầy tình thương mến khiến Clare đưa khăn tay lên mắt. Thầy M.H. mỉm cười.
– Khá lắm, ngài vui vẻ nói, bây giờ con à, ba con muốn ta chuyển lời ông cho con. Ồ, cả mẹ con cũng hiện diện nữa. Con khó mà mường tượng ra bà, phải không nào ? Bà mất khi con còn rất nhỏ.
Cô gái kinh ngạc, bớt buồn và gần như vui lên.
– Đây, ta sẽ nhắc lại từng chữ mà ba con nói, 'Xin bảo cháu là tôi không nằm dưới kia mà đứng ngay tại điểm này với mẹ cháu. Cho con tôi hay là tôi không muốn cháu đến nơi này nữa vì nó làm cháu đau khổ, bị sầu não. Khuyên con tôi hãy nghe lời bà Hodge, bà có thể giúp cháu. Tôi cũng rất thâm tạ nếu cô gái nhỏ người xinh xắn đi cùng với ngài vui lòng kết bạn với con tôi. Tôi bắt được tư tưởng của cô và biết cô có thể thấy được chúng tôi. Mẹ cháu và tôi thương con không lời nào nói cho đủ, xin con đừng than khóc. Xin cám ơn ngài đã giúp chúng tôi, chúng tôi chịu ơn ngài biết là dường nào. Xin cho cháu hay cảnh của chúng tôi dễ chịu, nhưng chúng tôi luôn luôn ở cạnh con, ngài hiểu tuy nhiên tôi nghĩ chuyện nghe có vẻ lạ tai đối với cháu. Dầu vậy có ngày cô bạn cạnh ngài sẽ giúp cháu hiểu ra. Xin hãy khuyên cháu quay về nhà ngay, và xin tạ ơn ngài lần nữa'.
'Này con, đó là lời ba con muốn nhắn lại. Nói cho cùng con thấy mọi chuyện đâu có đáng sợ cho lắm, phải không ? Khi khác cô bạn đây sẽ cho con hay thêm lời nhắn nữa, cô sẽ dàn xếp để con đến gặp cô ở Boston. Thỉnh thoảng con có đi Boston chứ ?
Cô gái mỉm cười và bảo đúng thế, và Viola đi lại phía bên cô, hỏi tên họ địa chỉ và đưa cô gái chi tiết về phần mình.
– Nào, thầy M.H. vỗ nhẹ vai cô gái. Nếu là con thì ta sẽ về nhà với chị con. Và hãy nghĩ  là ba con như đi nghỉ hè xa thật vui vẻ, vì sự thực là vậy. Cũng đừng quên chúng ta sẽ xếp đặt để con lại được nghe lời ba con nhắn. Thôi con đi.             Ngài đưa tay ra, cầu Trời phù hộ con.
Cô gái cầm lấy tay ngài và đưa nó lên môi.
– Xin Trời phù hộ ông, cô nói, con không thể nói hết là ông làm con nhẹ lòng tới bực nào. Suốt cả đời con sẽ không bao giờ quên được.
Cô quay sang Viola.
– Em cám ơn chị. Cô đưa tay nhưng thay vì cầm tay cô gái, Viola choàng hai tay ôm lấy cô gái và hôn.
– Em cũng đến chơi với chị nữa chứ ? Clare sụt sịt hỏi.
– Chắc chắn em sẽ tới, cô gái xúc động đáp.
Chúng tôi nhìn theo cô đi ra khỏi sân nhà thờ. Cổ tôi nghẹn cứng không sao cất tiếng được. Tôi tin là thầy M.H. biết chúng tôi cảm xúc ra sao, vì với giọng vui vẻ bình thường ngài nói.
– Thật vui là có ba người được hạnh phúc hơn nhờ ta đi dạo tới đây. Nhưng, ngài liếc nhìn đồng hồ, một giờ trưa rồi, tốt hơn ta hãy đi ăn trưa.
Mắt Clare vẫn còn đỏ khi chúng tôi ngồi vào bàn.
– Làm con không vui một chút phải không ? Thầy M.H. nói với một trong những nụ cười dễ mến, đầy khích lệ của ngài. Ta nghĩ đến chuyện khác vậy.
Clare nhìn ngài tỏ vẻ biết ơn.
– Thương cảm người khác làm đau lòng.
– Con thú thật là cũng thấy đau lòng, tôi nói. Còn cô thì sao, cô Brind ?
– Tôi thấy thiệt là đau khổ.
– Lòng từ ảnh hưởng mỗi người mỗi khác, thầy M.H. ngẫm nghĩ nói, phần nhiều đó là do tính khí cho tới khi người ta không còn bị tánh khí chi phối nữa.
– Thầy muốn nói khi ta đạt được tâm An Lạc ? tôi hỏi.
Ngài gật đầu.
– Lòng từ xử sự như là phương tiện cho ta cảm được tình thương trong lúc đó. Nên ấy là tại sao nó có thể là cảm giác hết sức dễ chịu, nhưng nó trở thành khó chịu nếu thay vì đồng hóa tâm trí với cảm giác thương yêu, ta để mình bị lôi cuốn vào nỗi đau khổ của người mà ta thương cảm.
– Nhưng tránh để bị lôi cuốn không phải là chuyện rất khó hay sao ? Clare thắc mắc.
– Việc đó tùy mức tiến hóa của ta. Sao đi nữa, bị cuốn vào thì nó cản trở khả năng giúp đỡ của ta. Nếu bác sĩ ngã ra bất tỉnh hay khóc nức nở khi thấy tai nạn thì họ đâu có ích gì, đúng không ?
– Dạ, thầy nói đúng, tôi đồng ý.
– Chuyện có hơi khó nói, thầy M.H. tiếp tục, nhưng có một loại lòng từ mang tính ích kỷ và hèn nhát. Thí dụ như khi nghe có tai nạn xe lửa ghê gớm ở Ấn Độ hay chỗ nào rất xa thì con chẳng màng, mà hễ nghe có tai nạn tương tự ở Boston con lại lo lắng cực điểm, nghĩ hoài tới nó nhiều ngày, là làm sao ? Đó là bởi trong tiềm thức con nghĩ không chừng mình có thể gặp tai nạn đó, hay mất bạn vì nó.
– Điều thầy nói luôn luôn khiến con thấy lạ, nhưng con không hề nghĩ ra lời giải thích ấy.
– Thầy nghĩ nó đúng cho mọi trường hợp. Hay là nói như thế này, Chân sư giải thích thêm, khi đứa trẻ làm vỡ đồ chơi và la khóc inh tai, con không lập tức muốn khóc theo. Con mỉm cười và dỗ dành đứa trẻ, ôm bé một chút, vuốt ve nó và xong chuyện. Vì con là người lớn biết rất rõ là việc vỡ đồ chơi không làm người trưởng thành như con phải lo lắng như thế, tức muốn nói là con không sợ có chuyện  xúc động xẩy ra cho mình.
– Lý luận rất khéo, tôi kêu lên, nhưng vậy là không vuốt ve lòng kiêu hãnh.
Thầy M.H. cười to.
– Con không nên có lòng kiêu hãnh.
– A, phải chi bỏ được tánh đó ... tôi đáp lại.
– Tuy nhiên, ngày nói tiếp, lòng từ thực sự là không có chút tính ích kỷ hay hèn nhát, và là tình cảm đẹp đẽ không gây ra đau khổ; nó còn là tình cảm vui tươi vì nó là kết quả của tình thương thanh khiết, và tình thương thanh khiết luôn luôn có nét hỉ lạc.
– Nhưng sách vở ghi đức Chúa có lần đã khóc, tôi nhận xét.
– Con không nên tin hết mọi chuyện trong kinh thánh, con biết chứ, bằng không sẽ gặp trục trặc. Chuyện kể là đức Jesus khóc lúc nghe Lazarus đã chết, thực không đáng tin. Tại sao ngài lại khóc nếu biết là có thể làm ông sống lại, hay nếu ngài biết rõ là ông chưa chết ? muốn nói cách nào thì cũng không ổn !
– Biết đâu ngài khóc vì tội nghiệp người khác, con muốn nói Mary và Martha ? Tôi đoán mò.
Thầy M.H. lắc đầu.
– Nghe không lọt tai, con à. Lòng từ mà biểu lộ như thế thì đó là khuyết điểm. Nếu có bác sĩ tuy biết rất rõ là bệnh nhân có thể cứu được mà vẫn òa ra khóc khi nghe thân nhân nói là bệnh nhân đau nặng, thì con sẽ nghĩ sao về bác sĩ ấy ? Chắc chắn làm vậy là cách hay nhất để làm thân nhân kinh hoảng hồn vía lên mây.
Chúng tôi phải phì cười khi nghe giải thích.
– Ta phải nói rằng bỏ thì giờ khóc lóc thay vì lập tức bắt tay lo việc loại trừ nguyên nhân sinh ra chuyện phải khóc, là hành vi rất kỳ lạ, và chắc chắn không phải là hành vi của vị Đạo sư. Không, thầy nghĩ nói theo giả thuyết khóc vì vui thì đúng hơn, như quyển Eastern Exposition of the Gospels của Shri Parananda gợi ý.
Cuộc trò chuyện bị gián đoạn vì người hầu bàn da đen muốn dọn ra món kế, nhưng thầy M.H. mải nói chuyện nên quên ăn. Ngài phải vội vàng ăn cho xong món trong đĩa.
– Lần trước tới đây, thầy nói thân mật với anh ta, chúng tôi được ăn món bánh kẹp ngon chưa có đâu sánh bằng.
Người hầu bàn tươi cười lộ ra hàm răng trắng như ngà.
– Ông sẽ không thất vọng với bánh hôm nay đâu, anh đáp.
– Mong lắm. Mà này, ngài nói một cách bí ẩn với chúng tôi, ta không thấy các con xốn xang vì nước mắt của cậu bé con ở bàn bên cạnh.
Chúng tôi nhìn về phía một ông bố cùng bà mẹ và cậu bé con, ông đang hối con ăn cho hết phần ăn quá nhiều gồm khoai và thịt.
– Còn lần này con không thấy thầy ra tay cứu giúp, đóng vai người tốt bụng.
– Sao mà được, ngài cười to, chỉ làm họ bực thêm thôi. Con không sao làm cha mẹ hiểu được, thầy nhỏ giọng nói, rằng bắt trẻ phải ăn khi chúng không thèm ăn hay đã ăn đủ, là sai lầm nặng. Trước hay sau thiên nhiên phải tìm cách này hay cách kia để thải ra lượng thực phẩm dư thừa đó. Tuy nhiên không phải vì thế mà ta không nên ăn thêm bánh kẹp. Samuel ! Thầy gọi.
Anh hầu bàn ló đầu ra.
– Xin anh cho thêm bánh kẹp.
Khi chúng tôi về lại Boston thì trời đã xế chiều, và hôm đó chấm dứt với việc tôi ăn tối cùng cô Clare. Thầy thả hai chúng tôi trước cửa nhà cô và nói.
– Gặp các con thứ tư nhé.

 

CHƯƠNG   XII

CÂU  HỎI  về H ÔN  NHÂN.

 

   Trong tháng có hai buổi tối mà các đệ tử thay vì lắng nghe bài giảng của thầy M.H., lại được khuyến khích đặt câu hỏi về bất cứ đề tài nào họ có thắc mắc. Nhưng ngài ra một luật là khi đề tài đưa ra rồi thì mọi câu hỏi phải có liên quan đến nó. Thầy giải thích có luật ấy là để cho dòng tư tưởng được liên tục không đứt quãng. Có một đệ tử là người Pháp, tôi nghe nói là anh tập được khả năng kỳ lạ về thân  thể như nín thở được một lúc lâu, khiến tim ngưng đập, và nhiều thuật Yoga đáng nói khác. Anh đặt câu hỏi với giọng Pháp nói tiếng Anh rất khó nghe.
– Thưa Thầy, thầy có cho rằng việc lập gia đình có thể đi đôi với việc có tiến bộ tâm linh ?
– Con mà hỏi câu đó thì thật là khờ khạo. Thầy M.H. đáp, giọng nói nghiêm khắc của ngài lập tức làm tan biến ngay tràng cười nhẹ thú vị trong nhóm. Bao nhiêu năm ở đây con không học được gì mà phải hỏi thầy mới có câu đáp hay sao ?
– Thế tại sao sách vở Ấn Độ về Yoga bảo rằng chúng không tương hợp nhau ? anh người Pháp gặng hỏi tuy  lộ vẻ ngượng nghịu sau khi bị la.
– Thầy nghĩ đáng lẽ anh cũng phải biết điều ấy rồi, thầy M.H. đáp lộ ra vẻ đáng tiếc. Ta phải nhét vào tâm thức anh bao nhiêu lần để anh biết rằng mình suy nghĩ méo mó, và có ngày anh phải trở lại học tất cả những gì đã bỏ qua ? Trả lời anh ta !
Ngài ra lệnh cho chàng Tích Lan ngồi ở hàng ghế đầu. Chàng này đáp lại theo cách thản nhiên cố hữu của anh.
– Mấy cuốn sách Ấn Độ mà anh nói là của nhà Yogi viết cho ai muốn tập thành Yogi. Giảng dạy của họ chỉ hợp cho người Âu châu khi có lọc lựa và tập thích ứng, và đó là tại sao cần có Guru, bậc thầy chỉ dẫn. Còn nói về hôn nhân, nó là gông xiềng cho kẻ dại khờ và là tiến bộ tinh thần cho ai sáng suốt, cũng như nó là sân chơi nhiều trò nguy hiểm cho trẻ thơ, và là trường học cho ai đã giác ngộ. Nó là mảnh đất phong phú cho hoa xinh đẹp của trăm đức hạnh, hay cho cỏ dại là bao tật xấu.
– Thầy có nghĩ là, một nữ đệ tử hỏi ngài, người ta bắt đầu hiểu giá trị tinh thần của hôn nhân ?
– Ở Âu châu và Mỹ châu, mọi vẻ nghiêm khắc mất biệt trong giọng nói ngài, thì không may là có rất ít người hiểu được giá trị thật của nó. Vào lúc này trọn thái độ về hôn nhân thật là tệ hại, thay vì dẫn đến sự hài lòng và tiến bộ tinh thần, lại đưa ra tòa ly dị. Bao lâu mà tính ghen tuông được xem là đam mê đáng khen, và lòng đắm say lãng mạn được coi là nguyên do chính để thành hôn, thì làm sao chúng ta mong có gì khác được ?
Ngài ngưng lại, chờ có thêm câu hỏi đặt ra.
– Thầy muốn nói là, một tiểu thuyết gia ngồi cạnh tôi hỏi, tình yêu lãng mạn không hề là nền tảng vững chắc cho hôn nhân ư ?
– Kẻ khôn ngoan, thầy M.H. đáp, thường ngần ngại dùng chữ 'không hề' trong bất cứ tranh luận nào.  Lòng mê say đắm đuối rất ít khi là nền tảng chắc chắn cho hôn nhân, trừ phi trong tiểu thuyết. Thầy thêm vào, mắt ánh lên nét khôi hài dí dỏm.
Chúng tôi cười lớn, tiểu thuyết gia cũng cười theo.
– Ở nước nào mà luật dễ dãi, ngài nói tiếp, khi người ta lập gia đình để được vui do lòng si mê mà thấy không hợp nhau, thay vì tìm cách học bài học mà chân nhân muốn họ học, lại tránh né và giống như người hèn nhát, bỏ chạy tới tòa ly dị. Bởi họ thấy cố uốn mình cho thích hợp với hoàn cảnh là chuyện khó, và thay vì khắc phục lòng không ưa, bực bội đối với nhau khi cơn mê đã tan, họ chọn con đường dễ nhất để thoát việc nan giải. Thay vì tuân theo ý muốn của chân nhân, họ nghe theo tiếng nói của cái tôi bảo rằng 'Bạn tưởng mình thương người này nhưng đã lầm, hãy chấm dứt đi và xa nhau hẳn.'
– Nhưng làm sao thầy ngăn người ta lập gia đình vì họ yêu nhau ? Tôi hỏi.
– Bằng cách từ từ đặt trước mặt họ một lý tưởng cao hơn. Chuyện sẽ mất một thời gian dài mà vậy thì đã sao ? Hãy dạy họ thành hôn không vì si mê, vui thú hay để có lợi lộc vật chất.
– Thầy nói si mê nghĩa là sao, có người hỏi, thuần nghĩa thể chất ư ?
– Con hỏi câu đó là phải lắm, ngài đáp, vì chữ này thường khi dùng rất mơ hồ. Ai chịu cho câu đáp ?
Tôi làm oai.
– Con cho là có ba hình thức si mê, một là thuần thể chất, cái thứ hai hiếm hơn là thuần cảm xúc, và chót là cảm xúc lẫn thể chất.
Thầy M.H. gật đầu. Một giọng nói đặc sệt Mỹ cất lên:
– Bây giờ tôi nhận ra, chữ anh vừa dùng như cảm xúc vào cảm xúc lẫn thể chất áp dụng rất đúng cho si mê hồi trẻ mà bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn xấu hổ vô cùng !
Ngài cười to sảng khoái.
– Ta vui chuyện rồi đây, thầy nói, còn lời thú tội nào thêm không ?
– Mọi cuộc tình lãng mạn mà con có, chàng khác bảo, đều tan thành mây khói nên con chẳng màng đến nữa. Nhưng con tin là có được tình bạn rất sâu đậm và bền vững với vài cô, cô nào con cũng có thể có được một buổi tối hết sức dễ chịu, và con sẽ thành thân với một trong những cô này ngay nếu có ý lập  gia đình.
– Hay nếu thầy muốn con thành hôn, ngài chữa lại, điều ấy quan trọng hơn.
– Nếu thầy ... chắc chắn rồi !
– Các con thấy chăng, tuy cách nói của bạn các con có thể làm cụ bà lớn tuổi quen với luân lý xưa  bị kinh ngạc, nhưng anh hàm ý rằng hôn nhân có tình bạn là loại hôn nhân duy nhất có thể bền vững.
–  Vậy hay lắm, Viola thưa, nhưng nếu thầy bảo người ta thành hôn chỉ vì tình bạn thì họ tưởng thầy muốn nói đến cuộc hôn nhân mà đôi bên giữ mình trinh khiết (platonic marriage).
– Con à, miệng lưỡi đâu mà không giải thích rõ ý của con?
– Vậy thầy không tán thành cuộc hôn nhân loại đó ? Tôi xen vào.
– Nếu hai người tâm đầu ý hợp mà không hứng thú về mặt thể chất và muốn thành hôn, chuyện ấy chẳng liên can mấy đến vị Thầy trong cương vị chính thức của ngài ... Nhưng trừ trường hợp rất hiếm, thầy khuyên không nên cưỡng ép để có cuộc hôn nhân trinh khiết. Lúc này loại hôn nhân ấy xẩy ra giữa người thuộc các hội có tính thần bí và huyền bí, là triệu chứng của quan niệm sai lầm về điều gọi là trinh khiết. Người như thế tìm cách tiến bộ quá mau, và bởi họ muốn chạy với đôi chân tinh thần trước khi biết đi, việc gây ra bệnh thần kinh và những tật khác. Phụ nữ trở thành rầu rĩ nóng nẩy, đôi khi có trục trặc về tử cung làm óc phán đoán mụ đi, ngăn trở sinh hoạt chung của ho. Nam giới thì sinh ra bực bội, căng thẳng, hay chứng này tật kia khi không có sẵn thầy bên cạnh để chỉ họ tránh những hệ quả này.
'Họ bảo nhau 'Chúng mình làm cho thân xác trở thành vận cụ tinh khiết hơn để các Chân sư sử dụng ...' và sách vở mà họ đọc có đầy tình cảm đẹp đẽ như thế, củng cố thêm niềm tin của họ. Một số người từng là tu sĩ, nhà tu khổ hạnh này kia hồi kiếp trước. Thế nhưng con nghĩ trong kiếp này họ sinh vào nền văn minh Âu Mỹ bon chen ồn ào để chi ? Ấy là để học một bài học khác, bài học đặc biệt mà nền văn minh này với tính chất của nó có để dạy. Tuy nhiên nếu họ chỉ muốn lập lại bài học vừa qua, giả dụ vậy, trong môi trường khác là họ phí phạm lần tái sinh này.
'Để ta thuật các con nghe một chuyện ngắn huyền bí. Cách đây không lâu có một nhà đại Yogi sinh ra ở Ấn Độ, ông được tôn kính rất mực đến nỗi khi tới đâu thì nhà cửa trong phố treo cờ kết hoa chào đón. Vị Yogi qua đời nay tái sinh làm một cô bé ở Anh. Ai chưa giác ngộ sẽ bảo ông bị 'xuống chức' ! Nhưng không phải. Chân nhân của nhà Yogi ấy vẫn còn điều gì đó phải học, và chỉ có thể học được nó trong thân xác nữ ở thế giới tây phương, ngay cả khi linh hồn sắp đạt quả vị Chân Sư. Và hơn thế nữa, nếu linh hồn này thực hiện chương trình mà các bậc Guru đã dự tính, thì nhà Yogi trước đây không chừng sẽ lập gia đình và có con.
'Vậy điều thầy muốn các con nhớ là giúp người ta học bài học mà khung cảnh đặc biệt của họ có để dạy họ. Nếu họ lập gia đình thì nên làm trọn các bổn phận mà cuộc sống vợ chồng  đòi hỏi, để nhờ vậy có thể vun trồng những đức tính mà hôn nhân có thể dạy. Các con là người phải bắt đầu dạy nhân loại phần  Siêu Luân Lý của hôn nhân.
Thầy ngưng lại, và giọng nói có hơi nhút nhát của một đệ tử mới vào nhóm hỏi:
– Thưa, phần  Siêu Luân Lý  của hôn nhân là gì ?
– Nói cho bạn hay, thầy nhẹ giọng bảo chàng Tích Lan.
– Siêu Luân Lý giữa vợ chồng là lòng không ích kỷ trong tình chăn gối dẫn tới kết quả hợp lý của nó. Anh đáp.
– Hãy cho thí dụ cụ thể, thầy M.H. nhắc.
– Nếu người đàn bà muốn có con mà người chồng bất lực hay có số tinh trùng quá thấp, anh nên cho phép cô có con với người đàn ông khác, nếu cô muốn vậy.
– Tốt ! thầy M.H. nói và nét mặt của anh đệ tử mới lộ vẻ sững sờ.
– Nhưng, chàng người Pháp phản đối, nếu cô đó lập gia đình với người chồng có tinh trùng quá ít thì đó là Karma của cô !
– Ai trả lời cho anh ta đi ! thầy M.H. sẵng giọng ra lệnh.
Anh Tích Lan lại tình nguyện.
– Nếu người đàn bà té sông và có hai người đàn ông đứng trên bờ, một người biết bơi và người kia không biết bơi, người sau có nên quay sang người trước và bảo 'Để cô chết chìm, đó là Karma xấu của cô' hay không ?
– Chính thế, thầy M.H. nói, làm sao anh ta biết đó không phải là nhân quả xấu của cô mà chỉ là hụt chân, hay chỉ muốn làm ướt chiếc áo mới nhất của cô ?
Tất cả các cô phá ra cười.
– Lại nữa, ngài tiếp tục, nếu người biết bơi cứu cô và nhờ vậy sinh ra nhân quả tốt thì sao ? Không, ta hãy dạy cho chồng và vợ để các vị thần nhân quả dàn xếp Karma mỗi người. Bổn phận của tất cả những ai tuân theo Siêu Luân Lý là hành xử theo các nguyên tắc cao cả nhất của lòng không vị kỷ, và để những đấng Cao Cả lo liệu hệ quả. Chính những nguyên tắc này, và chỉ có chúng mà thôi, mới cứu vãn được hôn nhân khỏi tình trạng rối mù nó đã rơi vào.
Thầy giải thích thêm.
– Vào lúc này hôn nhân đòi hỏi con người quá nhiều về mặt này và quá ít về mặt kia. Ở những nước như Ý và Tây Ban  Nha đàn ông được phép xử sự độc tài, và xã hội muốn đàn bà cư xử như thánh nữ.  Tính độc đoán ấy được gọi một cách hoa mỹ là bảo toàn danh dự của tôi, nhưng nói sao thì nó vẫn là sự áp chế, dẫn đến tính tàn bạo, lòng nhẫn tâm và ngay cả giết người. Nói thẳng ra thì  bảo toàn danh dự của tôi có nghĩa là giữ  gìn lòng kiêu hãnh và ích kỷ của tôi, từ đó sinh ra bao thảm kịch.
– Vậy thầy có xem lòng chung thủy trong tình chồng vợ không quan trọng tới độ không cần trừng phạt nếu nó bị vi phạm ? Chàng đệ tử mới vào lên tiếng.
– Con à, lòng chung thủy luôn luôn là đức tính nên ngợi khen mà không bao giờ nên đòi hỏi. Ngài nhẹ nhàng đáp lại.
– Nhưng ... , có ai đó khởi sự ngắt lời.
– Con cho thầy một phút, ta chưa nói xong. Có một loại chung thủy quan trọng nhiều lần hơn chung thủy về tình dục, đó là sự chung thủy của trí não và tâm hồn. Vi phạm điều sau cho ra hệ quả nghiêm trọng nhiều hơn, vì liên hệ về thể chất sẽ chấm dứt  khi thân xác chết đi còn liên hệ tâm trí và tinh thần kéo dài sang những kiếp tới.
– Con nghĩ, một anh tên Galais là đệ tử lâu năm nhất hỏi, thầy cho rằng lòng chung thủy về tình dục mà cuộc hôn nhân thông thường hay dạy người đời, không có giá trị cao vì nó có phần lớn là do lòng sợ hãi, như có chuyện tai tiếng hay ly dị. Hôn nhân loại ấy dạy ta bài học gì khi không đòi hỏi phải chung thủy ?
– Rất nhiều bài học, con à, nhưng thầy chỉ muốn nêu ra một thí dụ. Khi ta yêu quí vợ nhà thì đối xử dịu dàng, tốt lành và thương mến với cô là chuyện dễ, nhưng chuyện không dễ làm nữa khi ta yêu thương người khác. Người đàn ông nào dù thương yêu một người đàn bà khác mà vẫn có thể là người chồng ân cần, thân ái với vợ, là đã học được cách cư xử theo lòng chung thủy cao hơn. Đó là một trong những bài học mà cuộc Hôn nhân Tự do có để dạy.
Sau khi tan lớp, tôi đi bộ về cùng với một đệ tử khác và hỏi.
– Sao thầy M.H. dũa anh người Pháp nặng quá vậy ?
– Tại vì tuy anh ta có bản chất tốt nhưng không thấm phần triết lý của lời dạy.  Đầu anh cũng cứng, nói nhẹ nhàng không gây ảnh hưởng gì, giống như cọng rơm gãi lưng lừa thôi.
Tôi cười lớn.
– Mà đừng tưởng là, anh bạn nói tiếp, Chân sư thương chàng không bằng như thương bất cứ ai trong tụi mình đâu nhé.
– Anh ta ở Mỹ bao lâu rồi ? Tôi hỏi.
– Khoảng 15 năm.
– Thế sao ảnh không tập nói tiếng Anh khá hơn một chút ?
– Ai biết được, chắc cũng y như lý do ảnh chưa thấm triết lý !

 

CHƯƠNG  XIII

CHUYỆN  BÍ  ẨN

 

Tuy tôi gặp Chân Sư trong buổi giảng tối thứ sáu, tôi không có cuộc nói chuyện riêng nào với thầy. Chúng tôi chỉ trao đổi vài lời trước mặt người khác; thầy có việc phải đi vào sáng hôm sau và chỉ trở về vào thứ tư tuần tới, nhưng ngài nói khéo là trong khoảng thời gian đó ngài sẽ rất vui lòng nếu tôi gặp cô Viola Brind nhiều thêm.
Có phải lời nói khéo này muốn hàm ý rằng đến nay tôi chưa kết thân với cô tới mức thầy mong muốn không, hay là chuyện gì khác ? Càng lúc tôi càng thấy bí ẩn. Tại sao luôn luôn là cô Viola Brind ? Tôi lại còn ý thức là như có tiếng nói quái quỷ trong đầu thì thầm bên tai 'Thiệt tình anh đâu thích cô nàng tuy anh tưởng là anh có cảm tình với cô. Cô không phải loại người thật sự hấp dẫn anh vậy tại sao không tỏ thực ? Nếu anh không được kêu làm thân với cô hẳn sẽ không bao giờ tự mình làm vậy, anh biết mà!'
Và tôi thú thật là tuy rất ghét tư tưởng ấy vì nó ngược lại với ý muốn của Thầy, đôi lúc tôi không khỏi thấy là nó đúng tuy những khi khác tôi gạt bỏ ý đó và tự bảo mình chuyện thật vô lý, chỉ là điều tưởng tượng mà thôi. Cố nhiên là tôi quí mến cô, tại sao không kia chứ ? Cô chẳng có gì để tôi không ưa thích cả. Không phải tôi biết là hai chúng tôi trò chuyện thật vui vẻ lần ăn tối mới đây sao ? Tại sao tôi lại đột nhiên hóa ra lo lắng ? tôi chịu để cho ý tưởng kỳ quặc ấy ngăn cản ước muốn của Thầy à ? Chắc chắn là ngài không đòi hỏi quá nhiều nơi tôi – chỉ là kết bạn với một cô gái giỏi dang có năng khiếu kỳ lạ – nếu không làm được việc ấy thì hẳn tôi phải là người rất tồi !
Sao đi nữa, lo ngại hay không thì tôi cũng đã mời Viola ăn tối với mình vào ngay hôm sau đó và cô nhận lời. Dù vậy khi cô đến tôi lấy làm tiếc là thấy trong lòng nẩy sinh chút ác cảm đối với cô. Tôi không thể tìm cách chống chế, vì tình cảm ấy tự dưng sinh ra. Hiển nhiên là cái ngã thấp kém ở thế thượng phong khi đó và như vậy chuyện càng lạ lùng hơn vì tôi có tánh cởi mở, thân thiện, ít khi thấy khó chịu với ai. Ngược lại tâm tánh thân ái thường làm tôi bị bất tiện vì khi gặp người hấp dẫn đối với mình, tôi bầy tỏ tình cảm nhiều hơn mức phải phép.
Dĩ nhiên tôi đã quyết định là sao đi nữa sẽ không để cho Viola nhận ra bất cứ thay đổi nào trong thái độ của tôi đối với cô, nhưng tôi không thành công cho lắm vì chỉ mới ngồi với nhau vài phút, cô trầm ngâm bảo:
– Có vẻ như tối nay anh không thoải mái cho lắm.
Tôi ngẩn người một lát.
– Cô biết không, tôi đáp,  nói vậy mà đúng. Tôi có cảm giác mình không hoàn toàn là mình tối nay. Nhưng tôi đã hy vọng là cô không để ý thấy ...
– Sao vậy ? Bộ tôi để ý thì đáng nói à ?
Tôi cười cho qua.
– Ồ, không quan trọng lắm đâu, tuy nói cho đúng thì tôi có hơi xấu hổ một chút, nó làm tôi thấy ngượng nghịu.
– Chẳng sao đâu.
– Cô có biết khi mình không hoàn toàn là mình nghĩa là sao không ?
– Sao lại không biết !
Tôi lập tức thấy thích thú.
– Nói nghe coi – cô có khả năng tâm linh – cô có biết tại sao không vì duyên cớ gì mà ... Có hơi khó nói một chút, đột nhiên trong đầu có một ý tìm cách ngăn ý kia muốn làm chuyện gì đó – chẳng hạn chuyện rất dễ – mà mình thật sự muốn làm ?
– Khó mà nói, trừ phi biết đó là chuyện gì.
– Chắc vậy. Tôi đồng ý, không muốn thố lộ gì thêm.
– Anh cho thí dụ được không ? cô hỏi.
– Không dễ đâu. Cô xem, nó có thể là chuyện không đâu, chuyện mà nhà phân tích tâm lý có thể giải thích, nhưng nó cũng có thể là chuyện rất đáng ngại, tôi muốn nói 'phe Tả Đạo'.
– 'Tả Đạo' là sao ?
– Cô không biết ư ? Tôi ngạc nhiên, sách vở gọi là huynh đệ tà đạo, những người hoạt động ngược với Thiên Cơ thay vì thuận với Nó.
– Ồ, mấy người như vậy ... Cố nhiên tôi biết họ là ai, nhưng tôi không nghĩ ra là họ khi nghe chữ đó.
Rồi đột nhiên tôi nẩy ý nói thật với cô, nhưng bị ngăn lại vì cô hầu bàn đem món ăn tới.
– Coi này, tôi bảo khi cô hầu bàn đã đi xa, chúng ta là bạn rất tốt phải không ?
– Chắc chắn là tôi mong như thế, cô mỉm cười.
– Vậy nếu tôi kể cô nghe một việc hơi lạ thì cô sẽ hiểu chứ ?
– Tự nhiên rồi.
– Cô có nghĩ là mấy người gọi là tả đạo có lý do gì để muốn phá tình bạn của chúng ta không ? Tôi chậm rãi nói.
– Có thể lắm, mình không bao giờ có thể biết là họ muốn gì. Nhưng sao anh hỏi ?
– Vì có chuyện xẩy ra.
– Thực à, ra làm sao ?
– Khó mà nói cho cô rõ, nhưng tôi cũng ráng thử.
Tôi ngần ngại một chốc, tìm chữ sao cho không quá thô lậu. Cuối cùng tôi bảo.
– Tôi có cảm tưởng như có gì đó tìm cách ngăn không cho tôi quí mến cô nhiều.
Cô cười nhẹ lạ lùng.
– Chuyện kỳ cục thật, cô nói, tôi cũng có cảm nghĩ y thế.
– Thật ư ?
– Thật đó, phe tả đạo rõ ràng là tìm cách ảnh hưởng cả hai chúng ta.
– Nhưng tại sao kia chứ ? Tôi kêu lên. Để làm gì vậy ?
– Chỉ có trời biết ! Nhưng tôi có thể nói thế này, là không chừng sâu kín trong trọn sự việc có chuyện gì đó khác hơn điều mình tưởng. Khi Chân sư đặc biệt muốn điều gì thì họ tìm thế ngăn cản nó.
– Cô nghĩ việc quan trọng như thế à ?
– Tôi chắc nó phải như vậy.
Cô hầu bàn lại tới làm chúng tôi ngưng lại.
– Thường thì tôi không có tánh tò mò, tôi nói khi cô hầu bàn đã lui, nhưng thiệt sự tôi ao ước muốn biết chuyện có nghĩa gì. Hôm thứ sáu Thầy nói khéo là muốn tôi tìm cách gặp cô nhiều hơn.
– Thầy cũng nói tương tự vậy với tôi.
Càng lúc chuyện càng bí ẩn thêm.
– Cô nghĩ là thầy có hay làm chuyện như vầy không ? Tức là ngài có hay mong cho hai người thành bạn đặc biệt không ?
– Tôi chưa hề nghe trước đây, nhưng mình đâu có nghe hết mọi chuyện. Cô ngưng giây lát, nói về chuyện lạ lùng thì tôi không muốn nghe thêm.
Tôi nhìn cô dò hỏi.
– Thầy bảo có ngày không chừng ngài sẽ cho tôi gặp thử thách mà tôi không thích lắm đâu.
– Thử thách ra sao ? Tôi hỏi, hết sức chú ý.
– Đó là chuyện tôi không biết. Thầy nói xa xôi để tôi chuẩn bị. Ngài chỉ bảo nó là chuyện cần tôi phải hy sinh.
– Úi chà ! tôi kêu lên.
– Sao coi anh ngạc nhiên quá vậy ?
– Tại vì – nhưng mình vào phòng kia đi. Nó thường không có ai và chúng ta có thể uống cà phê trò chuyện dễ hơn.
– Anh đang nói dở dang nửa chừng một chuyện, cô bảo khi cà phê và thuốc lá đã được mang ra, và cô châm điếu thuốc hút.
– Cô biết tại sao tôi qua Mỹ không ? tôi hỏi.
– Tôi nghĩ là để gần Chân sư.
– Đó là một lý do, nhưng còn lý do khác. Ngài bảo tôi là ngài có một dự định đòi hỏi tôi phải hy sinh về phần mình. Cô có thấy đó là chuyện lạ khi thầy dùng cùng một chữ đối với cả hai chúng ta ?
Cô nhún vai.
– Ai tới với thầy M.H. trước sau cũng phải hy sinh, tôi nghĩ nó không nhất thiết liên hệ với anh và tôi chung với nhau.
– Không, tôi nhìn nhận là không thấy làm sao lại có chuyện liên can. Trước hết tôi không thể tưởng tượng là loại công việc chúng ta phải làm chung với nhau lại có thể hàm ý có hy sinh to lớn, thứ nữa – tôi quên mất muốn nói gì rồi !
Cô phá ra cười và một lát sau ngẫm nghĩ nói.
– Cố nhiên có thể có việc gì đó ngài muốn chúng ta làm chung mà không dễ chịu, và hàm ý phải hy sinh lớn lao cho cả hai chúng ta; nhưng thiệt tình tôi không tưởng tượng ra được đó là việc gì.
– Và có thể đó cũng là lý do tại sao phe tả đạo muốn tấn công chúng ta, tôi gợi ý.
– Có thể lắm.
Tôi im lặng một lúc, ráng moi óc xem có câu đáp khác chăng mà không nghĩ ra. Đột nhiên tôi bảo:
– Cô có thông nhãn, cô nhìn thử tương lai một chút xem ?
Cô lắc đầu.
– Tôi không hề thấy được việc gì về mình cả, ai có thông nhãn ở mức độ này không bao giờ thấy được. Với lại –
– Với lại làm sao ?
– Nếu thầy muốn chúng ta biết bây giờ thì hẳn ngài đã nói rồi.
Tôi có cảm nghĩ như bất trung đối với thầy và tự trách mình.
– Cô nói đúng lắm, tôi bảo, tốt hơn mình đừng suy đoán nữa mà chờ xem có gì sẽ tới. Trong lúc này mình phải ngăn không cho phe tả đạo gây hại gì. Nói chuyện như vầy lại hay cho tôi. Hồi cô mới tới ban chiều tôi thấy ngượng ngùng và xin thú thật là có chút ác cảm, nhưng nay tôi thấy dễ chịu rồi.
– Vậy nói sao đó cũng là chuyện tốt.
Sau đó chúng tôi bàn luận về những đề tài khác, và cũng dàn xếp để gặp nhau uống trà ngày thứ hai. Và cũng vì tối hôm ấy hai chúng tôi đến dùng cơm với Clare và mẹ nàng rồi sau đó đi xem kịch, cả hai chúng tôi cảm thấy rằng Chân sư sẽ nhận biết là ý muốn của ngài đã được thuận theo.
Về phần Clare và tôi, chúng tôi xếp đặt để gặp nhau gần như là mỗi ngày, và đa số cuộc nói chuyện không có người thứ ba phá rối. Clare có phòng làm việc riêng của nàng, và bà mẹ rất chiều con, không tỏ ý ngạc nhiên khi chúng tôi ở cạnh nhau quá nhiều giờ. Bà Delafield biết rằng cảm tình của chúng tôi đối với nhau là tình yêu lãng mạn – Clare đã cho mẹ hay – và bà chấp nhận sự việc vì cho rằng con đã đủ lớn để suy nghĩ và hành động theo ý mình. Khỏi cần phải nói khi làm vậy không những bà khiến tôi nể phục mà luôn cả biết ơn.
Nay tôi yêu Clare say đắm và biết là nàng cũng đáp lại tình yêu đó. Người ta bảo đàn ông ở tuổi tôi khi yêu sẽ đắm đuối và tôi thấy lời đó đúng. Hơn nữa tôi thấy như đây là cuộc tình cuối của tôi – ngọn lửa thương yêu lãng mạn bùng cháy mạnh trước khi tôi đạt tới tâm Thương Yêu Hằng Hữu vô điều kiện mà thầy M.H. đã hứa với tôi nếu – nếu cái gì ? Bởi đó là điều bí ẩn mà tôi vẫn chưa giải ra, và có vẻ như nó càng bí ẩn thêm sau khi tôi nói chuyện với Viola.
Sao đi nữa, tôi có thể làm tròn điều kiện của ngài không ? Tôi không thấy làm sao mình lại có thể đâm ra thương yêu lãng mạn được nữa. Thầy M.H. có nói 'Con sẽ thương yêu mãi mãi'. Nếu dùng lý luận mà nói thì khi đã thương yêu mãi mãi người ta không thể thương yêu lần thứ hai ! Nhưng tôi có thể sai. Giả dụ mà nói khi tâm Lòng Từ Hằng Hữu này tới thì không chừng nó khác xa với điều tôi mong đợi, và có nhiều chuyện khả hữu xẩy ra mà tôi không đoán trước được.
Rồi tư tưởng lạ lùng khác cũng tới, thí dụ sự hy sinh mà tôi bị đòi hỏi phải làm tỏ ra lớn lao quá đến nỗi tôi không thực hiện được ? Chuyện khó thể xẩy ra, nhưng người ta không sao chắc chắn hoàn toàn một việc gì – trừ phi chính sự Tuyệt Đối ... Dầu vậy – tôi gạt ngay tức khắc tư tưởng vừa khi nó chớm phát; tôi nhất định không nghĩ tới nó. Không phải đã có một hai lần tôi nếm được tâm Lòng Từ Hằng Hữu rồi sao, và ngay cả khi ấy biết nó là châu ngọc vô giá mà người ta sẽ đánh đổi bất cứ gì khác để có – phải, ngay cả những cuộc tình sau này ?
Tôi không biết có phải vì những suy đoán của mình hay không mà thầy M.H. bàn về đề tài Tình Yêu trong bài giảng của ngài vào hai thứ tư liên tiếp kế đó. Thời gian này tôi không thể đoán là ngài ý thức tư tưởng và cảm xúc không lời của tôi tới mức nào. Sao đi nữa ngài chọn đề tài ấy và bởi không có gì hệ trọng xẩy đến cho tôi trong tuần, tôi xin thuật lại hai bài giảng ở các chương sau.